BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ 7 THÁNG - NĂM 2020

06/08/2020
anhpnh
BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ 7 THÁNG - NĂM 2020

TẢI VỀ BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ 7 THÁNG - NĂM 2020

Diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang tác động rất lớn đền tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ, dù Việt Nam cũng như nhiều nước đã mở cửa lại nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm sáng về sự tăng trưởng, được HSBC dự báo sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 - là quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương và bứt lên mức 8,5% trong năm 2021. Còn Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021. Tạp chí The Economist thì nhận định Việt Nam là nơi “trú ẩn” ưa thích của nhiều nhà đầu tư thế giới, đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Về tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung tháng 7 đang có sự tiến triển tốt dần lên so với các tháng trước đó. Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần (CPI trong tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, CPI bình quân tính chung 7 tháng tăng 4,07% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ); mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định…

 

Cụ thể với những điểm nhấn đáng chú ý trong 7 tháng đầu năm 2020:

GDP: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020. GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

CPI, lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước. Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước

Lãi suất: Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng 7 vẫn ở trạng thái dồi dào và thể hiện qua diễn biến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đang duy trì ở mức thấp kỷ lục (0,15- 0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần). Còn ở lãi suất liên ngân hàng 3 tháng có sự sụt giảm khá mạnh trong tháng 7 vừa qua, (giảm 0,35%) xuống 1,81%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP): Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ Covid-19 như tháng 6/2020. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Cán cân thương mại: Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 139,3 tỷ USD, giảm 2,9%; xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Vốn đầu tư & vốn (FDI): Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam: Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) của Việt Nam giảm trở lại xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 7 khi đạt 47,6 điểm so với 51,1 điểm của tháng 6.

Đăng ký doanh nghiệp: Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Bảy giảm 3,8% so với tháng trước nhưng lượng vốn đăng ký vào thị trường tăng cao 72%. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 17,6%.

Tổng mức bán lẻ & du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng mạnh trở lại, tăng 4,3% so với cùng kỳ, nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và du lịch nội địa. Tính chung 7 tháng bằng 99,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,6%.

Vận tải hành khách và hàng hóa: Hoạt động vận tải trong nước tháng Bảy sôi động hơn với mức tăng 7,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 26,7% và vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế: Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Bảy đạt 13,9 nghìn lượt người, tăng 58,7% so với tháng trước, chủ yếu là khách quốc tế nhập cảnh bằng đường bộ nhưng vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 61,6% so với cùng kỳ năm trước.

0 bình luận, đánh giá về BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ 7 THÁNG - NĂM 2020

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.36280 sec| 966.688 kb