BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 9 THÁNG - NĂM 2020

07/10/2020
anhpnh
BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 9 THÁNG - NĂM 2020

TẢI VỀ BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 9 THÁNG - NĂM 2020

Tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn đang ảnh hưởng khá sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Điểm nhấn đáng chú ý là dịch Covid-19 đã nhanh chóng được kiểm soát sau 2 lần bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3 và tháng 7 vừa rồi, qua đó tạo điều kiện sớm cho nền kinh tế phục hồi. Từ đó, tạo ra nhiều điểm sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam 9 tháng vừa qua như: Lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu: Chỉ số CPI tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước, mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% cả năm 2020 là khả thi khi chỉ số CPI tiếp tục đà giảm; Xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục; Đầu tư công cải thiện tích cực, tốc độ tăng vốn thực hiện từ NSNN tháng 9 và 9 tháng đầu năm đạt mức cao nhất 5 năm qua; Tỉ giá hối đoái ổn định; Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành; Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng nhanh…

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức có thể kể đến như: Tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất từ năm 2011 đến nay dù một số lĩnh vực có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh- Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, GDP tăng 2,12% - là mức tăng trưởng 9 tháng thấp nhất từ năm 2011; Đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đà chững lại: Vốn FDI đăng ký 9 tháng đầu năm đạt 21,23 tỷ USD, giảm -18,9% so với cùng kỳ năm trước; Tín dụng tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng: Tính đến ngày 22/9/2020, tăng trưởng tín dụng ở mức 5,12% so với đầu năm - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (9 tháng đầu năm 2019 tăng 9,4%, 9 tháng 2018 tăng 10,33%); Thâm hụt NSNN và nợ công dự tăng cao hơn dự kiến song trong tầm kiểm soát; Hoạt động doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Tổng kết lại, đánh giá về Việt Nam, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là khá tích cực. (IMF, WB, ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 1,8-2,8% năm 2020. Cùng với đó, lạm phát được dự báo sẽ kiểm soát ở mức 3,5-3,8% năm 2020; ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,1%, S&P dự báo Việt Nam tăng trưởng 11,2% trong năm 2021)...

Cụ thể với những điểm nhấn đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm 2020:

GDP: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020. GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

CPI, lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước - đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tín dụng, lãi suất: Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong 9 tháng năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 22/9/2020 đạt mức thấp 5,12%. Lần thứ 3 trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm…

Thị trường chứng khoán: Trong tháng Chín, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng bước trở lại trạng thái bình thường. Tính chung 9 tháng, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 228,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường đạt 5.835 tỷ đồng/phiên, tăng 25,3% so với bình quân năm 2019.

Thu, Chi ngân sách: Thâm hụt NSNN và nợ công dự tăng cao hơn dự kiến song trong tầm kiểm soát. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2020 ước tính đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2020 ước tính đạt 1.036,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP): Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2020 chỉ đạt 2,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,69%.

Cán cân thương mại: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 làm đứt gãy thương mại toàn cầu nhưng cán cân thương mại tháng 9 tiếp tục thặng dư 3,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất siêu chín tháng đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2019.

Vốn đầu tư: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5% (9 tháng tăng 13,4% so với cùng kỳ).

Vốn FDI: Đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đà chững lại: Vốn FDI đăng ký 9 tháng đầu năm đạt 21,23 tỷ USD, giảm -18,9% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn FDI thực hiện sau 9 tháng đạt 13,76 tỷ USD, giảm -3,23% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam: Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 9 khi đạt 52,2 điểm so với 45,7 điểm của tháng 8. Theo IHS Markit, kết quả chỉ số PMI tháng 9 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện lần đầu trong ba tháng, đây là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 7/2019.

Đăng ký doanh nghiệp: Giải ngân vốn FDI thực hiện sau 9 tháng đạt 13,76 tỷ USD, giảm -3,23% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng đầu năm, có 98.954 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (-3,2% so với cùng kỳ năm 2019) với số vốn đăng ký đạt 1.428,5 nghìn tỷ đồng (+10,7%) và 777.892 lao động (-16,3%).

Tổng mức bán lẻ & du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%.

Vận tải hành khách và hàng hóa: Hoạt động vận tải tháng Chín có những tín hiệu tích cực hơn với mức tăng 6,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4,5% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 29,6% và vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Khách quốc tế: Khách quốc tế đến nước ta trong quý III/2020 đạt 44 nghìn lượt người, chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hơn 97% là khách quốc tế đến trong quý I/2020.

 

0 bình luận, đánh giá về BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 9 THÁNG - NĂM 2020

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.40254 sec| 978.211 kb